Kỳ vọng thúc đẩy chuyển đổi số từ Nghị quyết 57

Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là một văn kiện chiến lược nhằm tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong đó, với chuyển đổi số - nhiệm vụ đang được triển khai sâu rộng, Nghị quyết 57 sẽ là định hướng quan trọng, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số tại Thanh Hóa trong thời gian tới.

Trung tâm dữ liệu của tỉnh Thanh Hóa hiện đang triển khai các phần mềm dùng chung và ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành cho gần 1.800 đơn vị khối chính quyền từ tỉnh đến xã; với khoảng 20.000 tài khoản được tạo lập, khai báo sử dụng trên các phần mềm. Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng chính quyền số thì yêu cầu về mở rộng Trung tâm dữ liệu càng cấp bách hơn nữa.

Nghị quyết 57 đã nhấn mạnh: hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi đã mở đường để Thanh Hóa có những kế hoạch cụ thể trong đầu tư, nâng cấp, phát triển Trung tâm dữ liệu phục vụ đắc lực cho quá trình xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng các phương án đề xuất nâng tổng thể trung tâm dữ liệu phục vụ nhu cầu chính quyền số trong gia đoạn hiện nay. Xác định dữ liệu là tài nguyên trong kỷ nguyên số, nên việc chúng ta lưu trữ dữ liệu tập trung tại một nơi đảm bảo về mặt hạ tầng thì sẽ giúp cho chúng ta trong quá trình khai thác, tạo lập ra những giá trị mới".

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị khẳng định: người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính cho chuyển đổi số quốc gia. Các địa phương của tỉnh Thanh Hóa cũng nhanh chóng cụ thể hóa thành hành động, triển khai phong trào "Bình dân học vụ số" đến các cộng đồng dân cư để nhanh chóng phổ cập công nghệ, kỹ năng số cho toàn dân. Ông Nguyễn Bá Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: trong thời gian tới để Nghị quyết đi vào quần chúng Nhân dân cần phải triển khai đồng bộ giải pháp, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động để Nhân dân, doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ công chức nắm được. Chính quyền địa phương cũng mong muốn chuyển đổi số sẽ nâng cao việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay khi thực hiện chuyển đổi số là nguồn lực tài chính. Trước đây, nguồn kinh phí chi cho hoạt động chuyển đổi số thường phải lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Nghị quyết 57 đã nêu rõ yêu cầu, "bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển". Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các địa phương bố trí nguồn lực tài chính cho hoạt động chuyển đổi số. Ông Lê Đăng Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Qua việc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, chúng tôi cũng mong muốn rằng sẽ có nhiều hơn nữa các chính sách, các quy định để hỗ trợ cho cơ sở, trong đó có hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về các nền tảng, các giải pháp và dịch vụ số để cho người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn".

Các địa phương kỳ vọng, Nghị quyết 57 không chỉ là kim chỉ nam cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà còn là động lực mạnh mẽ, mở ra cơ hội mới cho toàn tỉnh Thanh Hóa tăng tốc phát triển nhanh, bền vững.

Nguồn:https://truyenhinhthanhhoa.vn/ky-vong-thuc-day-chuyen-doi-so-tu-nghi-quyet-57-180250502194059131.htm