Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

 Sáng 14-6, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.


Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” do Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị đã đánh giá những kết quả đạt được về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và số hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020. Theo đó, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn đã hết sức quan tâm, tích cực đầu tư hạ tầng, ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu; mạng truyền dẫn cáp quang đã triển khai đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn bản. Toàn tỉnh hiện có 9.144 trạm thu, phát sóng thông tin di động, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,70%; Trục tích hợp nội tỉnh LGSP kết nối, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã…

Bên cạnh những kết quả đạt được về ứng dụng, phát triển CNTT xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa, còn có những tồn tại, khó khăn và hạn chế như: Hạ tầng CNTT được đầu tư dàn trải trong nhiều năm, đến nay số lượng trang thiết bị cũ, cấu hình thấp; Các ứng dụng dịch vụ thông minh trên nền tảng di động liên quan đến các lĩnh vực hoạt động, đời sống, sinh hoạt, các điều kiện thiết yếu của Nhân dân chưa nhiều và chưa kịp thời; Quá trình triển khai việc ứng dụng CNTT trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực tỉnh Thanh Hóa có lợi thế; Cơ sở dữ liệu của các ngành còn rời rạc dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả...


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Hữu Quyết phát biểu tại hội nghị.

Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, hoạt động chuyển đổ số tỉnh Thanh Hóa hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức, quy trình, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, các cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện. Xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả, gắn với phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số, cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư kinh doanh. Hình thành, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao là nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số văn minh, hiện đại, an toàn. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực tỉnh Thanh Hóa có lợi thế; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025 Đề án đặt ra mục tiêu: 100% các văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản có hồ sơ mật theo quy định); 100% các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 95% trở lên; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả trên toàn tỉnh; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu đến năm 2030 phát triển chính quyền số, tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 98% trở lên. Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GRDP, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt từ 85 - 90%; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý...

Bên cạnh đó, đề án cũng nêu ra những giải pháp cụ thể về thay đổi nhận thức, phát triển nguồn nhân lực, tài chính, tuyên truyền, an toàn, an ninh mạng, hợp tác quốc tế…

Tổng kinh phí dự kiến triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025 là 3.000 tỷ đồng.


Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Ngọc Túy phát biểu tại hội nghị.

Lộ trình thực hiện Đề án giai đoạn 1 (2021-2022) tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp tham gia; Phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển chính quyền điện tử trên cơ sở phát huy những giải pháp đã triển khai và tập trung cho giải quyết các vấn đề bức thiết của tỉnh.

Giai đoạn 2 (2023-2025) tập trung hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử chuyển dần sang chính quyền số; Triển khai các lớp ứng dụng chính quyền điện tử trên các lĩnh vực đảm bảo theo khung kiến trúc chính quyền điện tử với các mục tiêu mở rộng sang các lĩnh vực chuyên ngành: Y tế, giáo dục, giao thông, môi trường... phục vụ công tác quản lý nhà nước, thông tin cho người dân, doanh nghiệp.

Giai đoạn 3 (2026-2030) hướng tới hoàn thiện và phát triển sâu rộng tới mọi tầng lớp; ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền số; phát triển các doanh nghiệp số có khả năng cạnh tranh cao; kinh tế số phát triển; xã hội số văn minh, hiện đại.


Giám đốc VCCI Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận thêm nhiều nội dung liên quan về một số chỉ tiêu, khái niêm, lưu ý những khó khăn có thể phát sinh, từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện nhiều nội dung Đề án.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xân Liêm đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Thông tin và Truyền thông cũng như sự phối hợp của các đơn vị liên quan để xây dựng Đề án một cách công phu, chi tiết.

Đồng chí nhấn mạnh, Đề án cần cập nhật những số liệu mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đến tháng 6-2021; làm rõ những khái niệm chuyên ngành, có giải trình riêng của từng số liệu cụ thể và giải pháp cụ thể cho từng ngành.

Chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp ngành, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời đơn vị soạn thảo phải căn cứ vào Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) và Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để hoàn thiện Đề án trên cơ sở đóng góp ý kiến của các sở, ban, ngành.

BBT