Thời kỳ Ban Kỹ thuật tỉnh (1960 - 1963)
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 7/1954 Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chiến lược ở miền Bắc, khoa học và kỹ thuật đã được Đảng, Nhà nước ta xác định cómột vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi thế, ngày 04/3/1959 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Sắc lệnh số 016-SL thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước - tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay. Chỉ ngay sau đó một tuần, ngày 11/3/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 105/TTg “Về việc thành lập Ban Kỹ thuật ở các tỉnh, thành phố trong cả nước”.Cùng với sự ra đời của Ban Kỹ thuật ở các tỉnh, thành trên toàn Miền Bắc, ngày 17/10/1960 Uỷ ban hành chính (UBHC) tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1970 thành lập Ban Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa.
Thủa đầu thành lập, Ban Kỹ thuật tỉnh có 12 thành viên. Ông Nguyễn Trí Hữu - đại diện Tỉnh ủy và UBHC tỉnh làm Trưởng Ban; ông Ưng Định và ông Trần Đình Phò làm Phó Ban. Ông Trần Đỉnh làm Ban viên Thường trực. Các ban viên còn lại đều là cán bộ các ngành trong tỉnh, làm việc tại Ban Kỹ thuật tỉnh theo chế độ kiêm nhiệm. Giúp việc cho Ban có 3 cán bộ. Đến năm 1962, UBHC tỉnh cử thêm ông Phạm Đình Văn giữ chức Uỷ viên thường trực. Ban Kỹ thuật tỉnh lúc bấy giờ hoạt động như một Hội đồng Khoa học.
Thời kỳ Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh (1963 - 1983)
Đến năm 1963, nhằm đáp ứng yêu cầu mới về đẩy mạnh hoạt độngkhoa học - kỹ thuật (KHKT) của tỉnh, Ban Kỹ thuật được đổi tên thành Ban Khoa học Kỹ thuật, có 17 thành viên. Trưởng Ban KHKT đầu tiên là Phó Chủ tịch UBHC tỉnh Hoàng Văn Hiều.Các Trưởng Ban KHKT tỉnh kế tiếp lần lượt là: Phó Chủ tịch UBHC tỉnh Trần Tiến Quân, Phó Chủ tịch UBHC tỉnh Tôn Viết Nghiệm, Chủ tịch UBHC tỉnh Trịnh Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lục, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Hinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Nghiễm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Văn Ban.Thời kỳ này, một số Trưởng ban là lãnh đạo tỉnh hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, vì vậy đã có một số Phó trưởng ban Thường trựcnhư các ông Phạm Đình Văn, Trần Thanh Vân.Ban KHKT lúc bấy giờ là cơ quan tổng hợp thuộc cơ quan Văn phòng UBHC tỉnh, có chức năng giúp UBHC tỉnh chỉ đạo công tác KHKT và phong trào cải tiến kỹ thuật của quần chúng; điều hòa, phối hợp các ngành thực hiện kế hoạch KHKT của địa phương. Đến tháng 01/1964, Ban KHKT được tách ra khỏi cơ quan Văn phòng UBHC tỉnh, thành một đơn vị dự toán riêng.
Trong thời kỳ Thanh Hóa cùng với miền Bắc đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Ban KHKT phải đi sơ tán tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.Đây là những năm tháng Ban KHKT Thanh Hóa cũng như Ban KHKT của các tỉnh, thành phố phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong lúc một số Ban KHKT ở tỉnh, thành phố khác phải giải thể thì Ban KHKT tỉnh Thanh Hóa vẫn được duy trì và phát triển. Thanh Hóa vẫn xây dựng, hình thành được mạng lưới hoạt động KHKT rộng khắp từ tỉnh đến các ngành, địa phương, đến tận các cơ sở sản xuất…
Năm 1975, đất nước thống nhất, Ban KHKT chuyển về khuôn viên Văn phòng UBHC tỉnh. Với sự nỗ lực của Ban KHKT cùng đội ngũ cán bộ KHKT trên địa bàn tỉnh, hoạt động KHKT thời kỳ này đã được Nghị quyết 06 NQ/TU (tháng 3/1979) của Tỉnh uỷ đánh giá là: “Công tác khoa học kỹ thuật đã hướng vào việc phục vụ các nhiệm vụ kinh tế cấp bách, đã làm được nhiều việc có kết quả, có tác dụng đối với sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của tỉnh. Việc đưa giống mới, kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt được đẩy mạnh, có những việc làm mở ra triển vọng phát triển tốt. Việc nghiên cứu thực nghiệm được xúc tiến, mang lại hiệu quả thiết thực (…). Công tác quản lý kỹ thuật có nhiều tiến bộ (…). Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật được phát triển khá”.Năm 1978, trong chuyến thăm và làm việc với Ban KHKT tỉnh, ông Lê Khắc - Phó chủ nhiệm Ủy ban KHKT Nhà nước đánh giá: “Ban KHKT Thanh Hóa đã đi đúng hướng, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và hoạt động có hiệu quả". Mô hình hoạt động KHKT ở Thanh Hóa và Thái Bình được Ủy ban KHKT Nhà nước chọn làm điểm chỉ đạo nhân rộng. Hoạt động KHKT của Thanh Hóa và Thái Bình thờikỳ này đã đem lại kinh nghiệm quý về tổ chức mạng lưới, về xác định và cách thức tổ chức triển khai thực hiện các nội dung KHKT ở địa phương.Đây là một trong những căn cứ thực tiễn quan trọng để Hội đồng Bộ trưởng quyết định củng cố, phát triển tổ chức quản lý KHKT các tỉnh trong cả nước vào năm 1983.
Thời kỳ Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật (1983- 1994)
Đến năm 1983, thực hiện Nghị quyết 51 ngày 17/5/1983 của Hội đồng Bộ trưởng về công tác KHKT, ngày 05/08/1983 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 707 về việc kiện toàn hệ thống tổ chức khoa học trong tỉnh, đổi tên Ban Khoa học kỹ thuật thành Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. "Ủy ban Khoa học và kỹ thuật là cơ quan chuyên môn làm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác khoa học kỹ thuật ở địa phương, là cơ quan quản lý thống nhất, tổng hợp các hoạt động khoa học kỹ thuật trong tỉnh, đồng thời là cơ quan thường trực của Hội đồng Khoa học tỉnh". Chủ nhiệm Uỷ ban KHKT (chuyên trách) đầu tiên là ông Lê Văn Lục. Các chủ nhiệm Ủy ban KHKT tỉnh kế tiếp lần lượt là: ông Lê Bạch Lan, ông Bùi Trọng Liên. Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh trong thời kỳ này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Lăng.
Thời kỳ này khoa học và công nghệ Thanh Hóa đã có sự phát triển vượt bậc về tổ chức, lực lượng, tạo thành một hệ thống từ cấp tỉnh, các ngành đến cấp huyện. Ủy ban KHKT tỉnh đã chỉ đạo hoạt động KHKT trên toàn tỉnh trong thời kỳ này theo hướng “đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nhằm áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động, năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa… đầu tư kinh phí thỏa đáng cho các nhiệm vụ trên và một phần cho tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật…”. Kết quả hoạt động của khoa học và công nghệ trong thời kỳ này đã được Tỉnh uỷ đánh giá là:“Hoạt động KH&CN của tỉnh đã có bước phát triển mới về chất và đã góp phần nhất định trong sự phát triển KT-XH của tỉnh”.
Thời kỳ Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (1994-2003)
Năm 1992, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ủy ban KHKT Nhà nước. Ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng được thành lập. Trong xu thế đó, ngày 13/01/1994 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 64/TC-UBTH thành lập Sở KHCN&MT Thanh Hóa. Ông Bùi Trọng Liên, Chủ nhiệm Ủy ban KHKT được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở KHCN&MT. Các Giám đốc Sở KHCN&MT kế tiếp lần lượt là: ông Nguyễn Văn Tri, Thường vụ Tỉnh ủy; ông Trương Văn Nặm. Chủ tịch Hội đồng Khoa học tỉnh của thời kỳ này lần lượt là: Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tri.Sở KHCN&MT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH&CN và bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn này, ngành khoa học và công nghệ đã bám sát Nghị quyết TW2 (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW2 của Tỉnh uỷ, tạo bước phát triển mới về chất trong hoạt động KH&CN của tỉnh. Nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN đã từng bước được ứng dụng trong sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh.
Thời kỳ Sở Khoa học và Công nghệ(từ 2003 đến nay)
Đến năm 2003, thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Sở KHCN&MT được đổi tên thành Sở Khoa học và Công nghệ, chức năng QLNN về môi trường được chuyển giao sang Sở Tài nguyên và Môi trường. Ồng Trương Văn Nặm, Giám đốc Sở KHCN&MT được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở KH&CN đầu tiên. Các Giám đốc Sở KH&CN kế tiếp lần lượt là: Ông Nguyễn Mạnh An, ông Lê Đình Sơn, ông Lê Minh Thông; đương nhiệm là ông Nguyễn Ngọc Túy. Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh trong thời kỳ này lần lượt là: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thế Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền; đương nhiệm là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang.Sở KH&CN có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh QLNN trên các lĩnh vực: Hoạt động KH&CN; Phát triển tiềm lực KH&CN; Sở hữu trí tuệ; An toàn bức xạ và hạt nhân; Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Sở KH&CN còn là cơ quan thường trực của Hội đồng Khoa học tỉnh, cơ quan thường trực của Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh Thanh Hóa.
Điểm nổi bật trong thời kỳ này là hoạt động KH&CN của tỉnh đã tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ có tính chiến lược, xuyên suốt: Thứ nhất, nâng cao năng lực KH&CN; Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN; Thứ ba, đổi mới quản lý KH&CN. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để phát triển kinh tế - xã hội là trọng tâm; nâng cao năng lực KH&CN và đổi mới quản lý KH&CN là điều kiện cần thiết để việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN được thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Trong thời kỳ này, nhất là từ khi được xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động KH&CN đã có những bước phát triển vượt bậc. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đánh giá: “Hoạt động khoa học công nghệ được đẩy mạnh theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Các tổ chức khoa học công nghệ công lập được tổ chức, sắp xếp lại, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực, chất lượng hoạt động được nâng lên(…). nhiều nhiệm vụ KH&CN được áp dụng, phát huy hiệu quả. Thị trường khoa học công nghệ được hình thành và phát triển (…) quản lý Nhà nước về công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng được tăng cường.”. Đặc biệt, sự đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng GRDP của tỉnh thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đã được khẳng định rõ và liên tục tăng trong 10 năm trở lại đây. Giai đoạn 2011 - 2015 đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP của tỉnh là 11,1% thì đến giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt 38,7%, cao nhất trong các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Như vậy, có thể vui mừng đánh giá rằng, khoa học và công nghệ Thanh Hóa đang dần khẳng định được vị trí, vai trò là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.
Với những nỗ lực và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước trong hơn 60 năm qua, ngành KH&CN Thanh Hóa đã vinh dự được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động Hạng Ba (1987), Huân chương Lao động Hạng Nhì (1997), Huân chương Lao động Hạng Nhất (2005), Huân chương Độc lập Hạng Ba (2020).Thành tích mà ngành KH&CN đạt được hôm nay là kết quả của lớp lớp các thế hệ cán bộ KHCN Thanh Hóa đã làm việc, đã cống hiến ở tất cả các ngành, trên tất cả lĩnh vực, tại tất cả địa phương trong suốt hơn 6 thập kỷ qua.
Thời kỳ phát triển mới: khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Hiện nay, trong xu thế chung của cả nước, ngành khoa học và công nghệ Thanh Hóa đang đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự phát triển mới thực sự mạnh mẽ, mà cốt lõi trong đó là sự phát triển từ "khoa học và công nghệ" thành "khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo". Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 mới được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XVIII thông qua đầu năm 2021, "khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo" đã trở thành một "phiên bản" mới, một sự phát triển mới của "khoa học và công nghệ"; tương tự như "khoa học và công nghệ" đã từng là sự phát triển mới của "khoa học - kỹ thuật" trước kia. Ở Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được bổ sung chức năng quản lý nhà nước đối với đổi mới sáng tạo. Ở địa phương, các Sở Khoa học và Công nghệ cũng được bổ sung chức năng quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo. Đây là những bước để cụ thể hóa, thực tiễn hóa quan điểm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 là "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".
Trước yêu cầu đó, khoa học và công nghệ Thanh Hóa đang nhanh chóng bắt nhịp để phát triển thành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ trong một thời gian ngắn, một loạt các đề án, kế hoạch, chính sách lớn đã được ngành tham mưu, trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thông qua, phê duyệt để triển khai thực hiện như: Kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, giai đoạn 2021-2025; Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021- 2025…Có thể nói, toàn ngành đang tích cực, nỗ lực cao nhất để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp nhiều nhất, hiệu quả nhất cho sự phát triển của tỉnh, mà cụ thể là đưa đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP tỉnh Thanh Hóa đạt 40% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển hơn 60 năm qua, ngành KH&CN Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp, tạo điều kiện của Bộ KH&CN và các Bộ, Ban, ngành, các đơn vị ở Trung ương; sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp tạo điều kiện của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; sự đồng lòng, chung tay của các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị có hoạt động KH&CN cùng đội ngũ cán bộ KHCN trên địa bàn tỉnh. Nhân dịp này, ngành KH&CN xin được chân thành, trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn nữa; sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời hơn nữa; sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Thanh Hóa tiếp tục phấn đấu, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nhanh, bền vững trong giai đoạn tới; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại nhưNghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra.
BAN BIÊN TẬP