Dẫn đầu bởi Giáo sư Keivan Davami, một nhóm tại Đại học Lamar ở bang Texas bắt đầu bằng một loại nhựa lỏng có khả năng polyme hóa (hóa rắn) khi tiếp xúc với ánh sáng cực tím. Sử dụng một dạng in 3D gọi là in litho lập thể hỗ trợ bằng laser, các nhà khoa học có thể tạo các vật thể đơn giản mà ở đó hầu hết nhựa này đã được tiếp xúc với ánh sáng UV, làm rắn nó, trong khi các khoang nhỏ chứa nhựa lỏng chưa tiếp xúc vẫn bị giữ lại bên trong.
Miễn sao các đồ vật đó không bị hư hại, chất lỏng đó vẫn nằm tại chỗ. Tuy nhiên, nếu nhựa polyme hóa bị nứt, tác động mao dẫn sẽ hút một phần nhựa lỏng ra ngoài. Ngay khi tiếp xúc với nguồn sáng UV, nhựa lỏng đó sẽ bị polyme hóa, bít kín vết nứt.
Việc này không khác gì cách mà máu chảy ra và bít kín bề mặt vết thương. Nó cũng tương tự như cách mà chất nhầy bị hút ra để bít vết xước trên lá cây xương rồng lê gai.
Davami và các cộng sự hiện đang phát triển thêm công nghệ với tầm nhìn hướng tới giảm năng lượng ánh sáng được đòi hỏi để quá trình polyme hóa diễn ra. Rốt cuộc họ sẽ muốn nhìn thấy vật liệu tự liền mà không cần sự can thiệp của con người, sử dụng các nguồn sáng UV xung quanh như ánh sáng mặt trời.
Người ta hy vọng vật liệu cuối cùng có thể sử dụng cho các đồ vật như dụng cụ, gọng kính hay thậm chí là đế giày.
LH (New Atlas)