Tham dự có các thành viên Hội đồng là những chuyên gia uy tín, đầu ngành đến từ Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện Nghiên cứu phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu phát triển Nông nghiệp; Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và các chuyên gia độc lập. Khách mời tham dự hội đồng có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ; Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa; UBND huyện Vĩnh Lộc. Đại diện đơn vị tham gia tuyển chọn chủ trì nhiệm vụ là Viện Di truyền nông nghiệp; Đại diện các đơn vị phối hợp thực hiện: Trung tâm Thông tin - Ứng dụng - Chuyển giao KH&CN Thanh Hóa; Công ty cổ phần dược liệu Triệu Sơn.
Mục tiêu của nhiệm vụ nhằm xác định được căn cứ khoa học, thực tiễn về tính chất đặc thù của sản phẩm “Sâm Báo” và xác định hình thưc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp; Xây dựng được hệ thống các văn bản, công cụ quản lý, khai thác, phát triển sản phẩm được bảo hộ và thiết lập được mô hình sản xuất, quản lý và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm “Sâm Báo” được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tại buổi họp, Hội đồng đã nghe TS. Đồng Thị Kim Cúc - Đại diện cho đơn vị tham gia tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ trình bày tóm tắt thuyết minh nhiệm vụ. Hội đồng đã tiến hành thảo luận về mục tiêu, nội dung, phương pháp nghiên cứu, dự kiến sản phẩm, khả năng ứng dụng, phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu, năng lực của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ, năng lực của các đơn vị phối hợp và hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm “Sâm Báo”

TS. Đồng Thị Kim Cúc trình bày thuyết minh Dự án trước Hội đồng- Cục Sở hữu Trí tuệ
Hội đồng cũng đã thảo luận và chỉ rõ sự khác biệt của Sâm Báo và Sâm Bố Chính từ nhận diện hình thái cho đến các thành phần hoạt chất. Trong đó Sâm Báo chứa nhiều các thành phần hợp chất quý như: Chất nhầy (46 %); saponin, coumarin; terpenoid; flavonoid; đường khử, acid hữu cơ; phytosterol và sesquiterpene, các acid amin với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hội đồng cũng đã thảo luận và xác định hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm “Sâm Báo” của tỉnh Thanh Hóa.
Hội đồng cũng đã thảo luận và đánh giá cao hồ sơ thuyết minh đã được Viện Di truyền nông nghiệp xây dựng, hồ sơ thuyết minh có chất lượng chuyên môn tốt, làm nổi bật được vấn đề nghiên cứu. Thuyết minh đã bám sát theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021. Tuy nhiên, Hội đồng cũng đề nghị Viện Di truyền nông nghiệp cũng cần phối hợp với các đơn vị liên quan chỉnh sửa lại một số nội dung của thuyết minh nhiệm vụ theo ý kiến góp ý của các thành viên hội đồng để hồ sơ thuyết minh được hoàn thiện như: cần có nghiên cứu xác định trình tự ITS của gen ribosom nhân/ trình tự matK của vùng gen lục lạp,….) để nhận dạng chính xác giống Sâm Báo và sâm Bố Chính; tổ chức hội nghị triển khai dự án để lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà quản lý, người dân vùng dự án; khuyến nghị bổ sung thêm chuyên gia về sở hữu trí tuệ khi dự án được phê duyệt.
Trịnh Văn Suý - PGĐ Sở KH&CN Thanh Hoá tham dự Họp trực tuyến tại đầu cầu Thanh Hoá.
Sau hơn 4 giờ làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội đồng đã bỏ phiếu thống nhất trình Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt Viện Di truyền nông nghiệp là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ và TS. Đồng Thị Kim Cúc là chủ nhiệm nhiệm vụ nêu trên với số điểm trung bình của các thành viên Hội đồng là 82,5 điểm.
Kết luận cuộc họp, TS. Phan Công Hợp - Chủ tịch Hội đồng đánh giá đây là nhiệm vụ có ý nghĩa thực tiễn và hết sức quan trọng. Đây sẽ là tiền đề để mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các sản phẩm sâm Báo trong tương lai, trở thành điểm sáng kinh tế, niềm tự hào của Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung./.